KẾ HOẠCH
Tổ chức đại hội Đoàn các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội lần thứ XIV,
nhiệm kỳ 2012 - 2017
Căn cứ Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Kế hoạch số 298 KH/TWĐTN ngày 14/7/2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về việc Tổ chức đại hội đoàn các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Ban Chấp hành Thành đoàn Hà Nội ban hành Kế hoạch tổ chức đại hội đoàn các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2012 - 2017, cụ thể như sau:
I. YÊU CẦU
1. Đại hội Đoàn các cấp và Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2012 - 2017 phải quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XV và sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy Đảng.
2. Đại hội Đoàn các cấp và Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2012 - 2017 phải trên tinh thần dân chủ, đổi mới, sáng tạo, phát huy được trí tuệ và trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên thanh niên trong việc đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết đại hội đoàn các cấp trong nhiệm kỳ qua, xây dựng phương hướng nhiệm vụ với những mục tiêu, giải pháp mới để tổ chức, động viên tuổi trẻ xung kích, tình nguyện thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị và Thủ đô trong thời kỳ mới.
3. Ban Chấp hành Đoàn các cấp do Đại hội bầu ra phải bao gồm những cán bộ, đoàn viên thanh niên có trình độ, năng lực, tâm huyết, bảo đảm các tiêu chuẩn quy định trong “Quy chế cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh” do Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành theo Quyết định số 289-QĐ/TW ngày 08 tháng 02 năm 2010 (dưới đây gọi tắt là Quy chế cán bộ đoàn), đồng thời có số lượng, cơ cấu phù hợp đảm bảo lãnh đạo, chỉ đạo thắng lợi nhiệm vụ công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trong nhiệm kỳ mới. Đại biểu dự đại hội đoàn cấp trên phải là những cán bộ, đoàn viên tiêu biểu cho các lĩnh vực, khu vực, đối tượng; có khả năng đóng góp vào các quyết định của đại hội.
4. Đại hội Đoàn các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2012 - 2017 phải là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng với các phong trào thi đua sôi nổi, không khí vui tươi, phấn khởi trong đoàn viên thanh niên trước, trong và sau đại hội; đại hội ở mỗi cấp được tổ chức thiết thực, hiệu quả và tránh hình thức.
II. NỘI DUNG ĐẠI HỘI
1. Tổng kết việc thực hiện nghị quyết nhiệm kỳ qua, xây dựng mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ và giải pháp nhiệm kỳ mới.
2. Thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện của đại hội đoàn cấp trên.
3. Bầu ban chấp hành nhiệm kỳ mới (một số cơ sở đoàn sẽ được chọn bầu trực tiếp bí thư tại đại hội).
4. Bầu đoàn đại biểu dự đại hội đoàn cấp trên.
III. XÂY DỰNG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐOÀN CÁC CẤP
1. Xây dựng dự thảo văn kiện
a. Yêu cầu chung
- Báo cáo tổng kết phải ngắn gọn, có tính khái quát, tập trung vào các vấn đề cốt lõi của phong trào thanh niên và công tác tổ chức xây dựng đoàn. Đánh giá đúng những mặt mạnh, kết quả đạt được; thẳng thắn chỉ rõ những yếu kém, hạn chế; phân tích những nguyên nhân chủ quan, khách quan, rút ra được những bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, triển khai và tổ chức thực hiện các mặt công tác của đoàn. Cần có phụ lục số liệu minh họa cho báo cáo.
- Tập trung đầu tư xây dựng phương hướng nhiệm kỳ mới với hệ thống mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thiết thực, phù hợp nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên, có tính khả thi cao.
- Đảm bảo theo định hướng chung của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn và Ban Chấp hành Thành đoàn Hà Nội.
b. Về tổng kết công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ qua
Đánh giá đúng thực trạng tình hình công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, kiểm điểm kết quả thực hiện nghị quyết đại hội đoàn cấp trên và cấp mình; đánh giá sâu kết quả thực hiện các phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô” và “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”; phong trào “Tôi yêu Hà Nội” và các chương trình, cuộc vận động, đề án do đại hội đoàn các cấp quyết định.
c. Về phương hướng trong nhiệm kỳ mới
- Phương hướng nhiệm kỳ mới của đại hội đoàn các cấp phải đảm bảo quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XV; nghị quyết của đại hội đảng bộ các cấp, định hướng của đoàn cấp trên và của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn (để đảm bảo tính thống nhất trong các phong trào, chương trình hành động của tuổi trẻ cả nước); phương hướng nhiệm kỳ mới phải trên cơ sở phân tích đặc điểm tình hình của địa phương, đơn vị; những xu hướng, nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, thanh thiếu nhi, từ đó cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ mới.
- Xác định rõ nội dung và biện pháp chính để thực hiện các mặt công tác chủ yếu của đoàn như: Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; các phong trào hành động cách mạng, công tác xây dựng đoàn và mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên; công tác thiếu nhi... Chú trọng các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đoàn, nâng cao chất lượng đoàn viên; phát huy vai trò xung kích, sáng tạo, tình nguyện của đoàn viên, thanh niên trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Thủ đô và đất nước.
d. Báo cáo kiểm điểm của ban chấp hành
Trên tinh thần tự phê bình, phê bình nghiêm túc, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm tập thể của ban chấp hành, ban thường vụ và các ủy viên ban chấp hành; chỉ ra những mặt được và những hạn chế yếu kém, rút ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm để xây dựng và phân công nhiệm vụ ban chấp hành khóa mới hoạt động hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ theo tinh thần nghị quyết đại hội đoàn các cấp đề ra.
đ. Chuẩn bị dự thảo nghị quyết của đại hội đoàn các cấp
Trên cơ sở các văn kiện của Đại hội, BCH cấp triệu tập Đại hội xây dựng dự thảo nghị quyết ĐH gồm những nội dung cơ bản, quan trọng để Đại hội thảo luận, quyết định.
2. Về thảo luận, góp ý các văn kiện đại hội
- Đối với văn kiện cấp tổ chức đại hội
Ban chấp hành cấp triệu tập đại hội xây dựng dự thảo văn kiện đại hội, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong cán bộ, đoàn viên thanh niên, các đồng chí cựu cán bộ đoàn, các nhà khoa học, các ban ngành đoàn thể có liên quan về báo cáo của đại hội.
- Đối với văn kiện cấp trên
Các cấp bộ đoàn tổ chức cho đoàn viên thanh niên nghiên cứu và góp ý vào văn kiện đại hội đoàn cấp trên trước khi tổ chức đại hội và tổng hợp báo cáo tại đại hội của cấp mình.
Việc thảo luận, lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo các văn kiện của đoàn cấp trên phải được tiến hành nghiêm túc, trên tinh thần thẳng thắn và trách nhiệm, nội dung phải cụ thể; đồng thời qua thảo luận các cấp bộ đoàn lĩnh hội tư tưởng chỉ đạo của đoàn cấp trên để cụ thể hóa vào văn kiện và nghị quyết đại hội của cấp mình.
IV. CÔNG TÁC CHUẨN BỊ NHÂN SỰ BAN CHẤP HÀNH
Chuẩn bị nhân sự ban chấp hành khoá mới là nội dung quan trọng. Quá trình chuẩn bị nhân sự phải thực hiện dân chủ, công khai, đúng quy chế, quy định, trên cơ sở quy hoạch cán bộ đã được phê duyệt (trừ những trường hợp cụ thể); lựa chọn giới thiệu các đồng chí có đức, có tài, bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định; chú trọng cán bộ nữ, dân tộc, đoàn viên thanh niên có thành tích đặc biệt xuất sắc, tiêu biểu trong các tầng lớp thanh niên ở các địa phương, đơn vị (doanh nhân trẻ, nhà khoa học trẻ, văn nghệ sỹ trẻ tài năng, vận động viên trẻ...).
1. Tiêu chuẩn uỷ viên ban chấp hành
Nhân sự ban chấp hành các cấp phải bảo đảm các tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn chức danh trong Quy chế cán bộ Đoàn, đặc biệt nhấn mạnh những điểm sau:
- Có đạo đức và năng lực thực tiễn, kinh nghiệm trong công tác, có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ do ban chấp hành phân công; am hiểu và gắn bó với thanh niên, có khả năng định hướng, dẫn dắt thanh niên.
- Có khả năng cụ thể hóa nghị quyết của Đảng, nghị quyết đại hội cấp trên và cấp mình, gắn với thực tiễn công tác Đoàn và tình hình thanh niên ở địa phương, đơn vị.
- Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân và dám chịu trách nhiệm.
- Có kiến thức tổng hợp trên nhiều lĩnh vực, có năng lực công tác xã hội và khả năng vận động thanh thiếu nhi, am hiểu về tình hình địa phương, đơn vị.
- Có uy tín và khả năng quy tụ, biết vận động, huy động các nguồn lực của địa phương, đơn vị và xã hội phục vụ cho các hoạt động của tổ chức đoàn.
Trên cơ sở các tiêu chuẩn chung, các cấp bộ đoàn cần cụ thể hóa để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị mình.
2. Độ tuổi bình quân của ban chấp hành đoàn các cấp
- Cấp cơ sở: Bình quân không quá 28 tuổi.
- Cấp huyện: Bình quân không quá 29 tuổi.
- Cấp Thành phố: Bình quân không quá 31 tuổi.
Đối với Đoàn cơ sở ở các vùng còn nhiều khó khăn và trong các cơ quan, doanh nghiệp, độ tuổi bình quân có thể cao hơn trung bình 02 tuổi.
Độ tuổi bình quân của BCH trong lực lương vũ trang (Quân đội nhân dân và Công an nhân dân), thực hiện theo quy định và hướng dẫn của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng cục Xây dựng Lực lượng Bộ Công an với Ban Bí thư Trung ương Đoàn.
3. Số lượng uỷ viên ban chấp hành
* Chi đoàn và chi đoàn cơ sở:
- Có dưới 9 đoàn viên: Đại hội bầu bí thư; nếu cần thiết thì có thể bầu thêm 01 phó bí thư.
- Có từ 9 đoàn viên trở lên: Ban chấp hành có từ 3 đến 5 ủy viên, trong đó có bí thư và phó bí thư.
* Đoàn cơ sở: Ban chấp hành có từ 5 đến 15 ủy viên. Nếu ban chấp hành có dưới 9 uỷ viên thì có bí thư và 01 phó bí thư; có từ 9 ủy viên trở lên thì bầu ban thường vụ gồm bí thư, phó bí thư và các uỷ viên thường vụ (trong trường hợp đặc biệt có thể cơ cấu 2 phó bí thư sau khi được sự nhất trí của cấp ủy cùng cấp và đoàn cấp trên).
* Đoàn cấp huyện: Ban chấp hành đoàn cấp huyện có từ 15 đến 33 ủy viên; ban thường vụ có từ 5 đến 11 ủy viên. Trong ban thường vụ có bí thư và từ 1 đến 2 phó bí thư (trong trường hợp đặc biệt có thể cơ cấu 3 phó bí thư sau khi được sự nhất trí của cấp ủy cùng cấp và Thường trực Thành đoàn Hà Nội).
* Thành phố: Ban chấp hành có tối đa là 61 ủy viên, 19 ủy viên ban thường vụ và không quá 4 phó bí thư.
Lưu ý:
- Khi chuẩn bị danh sách bầu cử ban chấp hành, ban thường vụ khóa mới, ban chấp hành đương nhiệm phải chuẩn bị có số dư so với số lượng cần bầu ít nhất 15%. Bầu chức danh phó bí thư ở các cấp nên có số dư.
- Căn cứ vào số lượng đoàn viên, số lượng chi đoàn (đối với đoàn cơ sở) và cấp bộ đoàn trực thuộc, ban chấp hành đoàn các cấp xây dựng đề án ban chấp hành với số lượng phù hợp, bảo đảm hoạt động hiệu quả, tránh cơ cấu hình thức, nhiều về số lượng nhưng chất lượng không cao, hoạt động không hiệu quả.
4. Cơ cấu ban chấp hành đoàn các cấp
Ban chấp hành đoàn các cấp phải bảo đảm hợp lý giữa các cơ cấu:
- Cơ cấu hợp lý giữa các độ tuổi.
- Ủy viên ban chấp hành được tái cử và ủy viên ban chấp hành mới.
- Ủy viên ban chấp hành là cán bộ chủ chốt, chuyên trách và kiêm nhiệm.
- Ủy viên ban chấp hành là cán bộ, đoàn viên thuộc các đối tượng, lĩnh vực (Công nhân, viên chức; cán bộ trong trường học; cán bộ trong lực lượng vũ trang; cán bộ trên địa bàn dân cư…).
- Ủy viên ban chấp hành là cán bộ, đoàn viên tiêu biểu, xuất sắc.
- Ủy viên ban chấp hành là nhà khoa học trẻ, doanh nhân trẻ, vận động viên trẻ, trí thức trẻ tiêu biểu, học sinh, sinh viên xuất sắc … (đối với những đơn vị có điều kiện cơ cấu).
- Tỉ lệ trong ban chấp hành bảo đảm:
+ Tỷ lệ ủy viên ban chấp hành, ủy viên ban thường vụ là nữ: Đối với cấp thành phố có ít nhất 25%; trong ban thường vụ đoàn từ cấp huyện trở xuống, tỷ lệ nữ không dưới 15%; phấn đấu trong thường trực Thành đoàn và đoàn cấp huyện hoặc tương đương có cán bộ nữ.
+ Tỷ lệ ủy viên ban chấp hành là người dân tộc thiểu số, tôn giáo (tùy theo từng địa phương, đơn vị tuy nhiên phải đảm bảo không thấp hơn tỷ lệ cơ cấu của ban chấp hành nhiệm kỳ cũ).
Trên cơ sở các cơ cấu trên, các cấp bộ đoàn cần cụ thể hóa để xây dựng cơ cấu phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị mình.
Nhân sự ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đoàn các cấp phải được cấp ủy cùng cấp và đoàn cấp trên trực tiếp phê duyệt (trong trường hợp chưa có cấp ủy thì có ý kiến của lãnh đạo cơ quan, đơn vị).
5. Bầu trực tiếp bí thư tại đại hội
Thực hiện bầu trực tiếp bí thư tại đại hội ở một số đơn vị theo tỉ lệ sau:
- Cấp huyện: 25 đơn vị, cơ cấu hợp lý giữa các khối đối tượng
- Cấp cơ sở: Từ 25% đến 30%.
Ban thường vụ các cơ sở đoàn trực thuộc trực tiếp lựa chọn, chỉ đạo các đơn vị bầu trực tiếp bí thư tại đại hội. Việc bầu trực tiếp bí thư các quận, huyện, thị đoàn và tương đương tại đại hội do Ban Thường vụ Thành đoàn lựa chọn, quyết định trên cơ sở thống nhất với ban thường vụ cấp ủy các đơn vị.
6. Số lượng đại biểu đại hội đoàn các cấp
Số lượng đại biểu đại hội đoàn các cấp do ban chấp hành cấp triệu tập đại hội quyết định, trong giới hạn sau:
- Cấp cơ sở:
+ Chi đoàn cơ sở: Tổ chức đại hội đoàn viên.
+ Đoàn cơ sở có dưới 120 đoàn viên thì tổ chức đại hội đoàn viên (đối với các đơn vị có đoàn viên không tập trung, công tác, sinh hoạt ở nhiều địa bàn khác nhau, đoàn cấp trên trực tiếp chỉ đạo đại hội đại biểu, số lượng đại biểu dự đại hội ít nhất bằng ½ số lượng đoàn viên của cơ sở đoàn), trường hợp đặc biệt báo cáo đoàn cấp trên xin ý kiến.
+ Đoàn cơ sở có từ 120 đoàn viên trở lên thì tiến hành đại hội đại biểu, số lượng đại biểu triệu tập ít nhất 60 đại biểu; khuyến khích tổ chức đại hội đoàn viên.
- Cấp huyện: Từ 120 đến 200 đại biểu.
- Cấp Thành phố: 450 đại biểu.
V. THỜI GIAN TỔ CHỨC ĐẠI HỘI ĐOÀN VÀ ĐẠI HỘI ĐIỂM CÁC CẤP
1. Thời gian tổ chức đại hội đoàn các cấp
- Đại hội cấp cơ sở: Không quá 01 ngày, hoàn thành chậm nhất trong tháng 5 năm 2012. Đoàn trong các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường dạy nghề (có nhiệm kỳ theo năm học) có thể tổ chức đại hội trong tháng 10, 11, 12 năm 2011 (khi chỉ đạo đại hội đoàn cơ sở, các quận, huyện, thị đoàn phải phân bổ đại biểu để đại hội bầu đại biểu dự đại hội đoàn cấp trên).
- Đại hội cấp huyện: Không quá 02 ngày, hoàn thành chậm nhất trong tháng 8 năm 2012. Đoàn Đại học Quốc gia và các trường đại học, cao đẳng, tùy tình hình cụ thể, có thể đại hội muộn hơn nhưng phải hoàn thành trước ngày 15/9/2012.
- Đại hội Đoàn Thành phố: dự kiến 03 ngày, vào trung tuần tháng 10 năm 2012.
Các đơn vị chưa đến thời gian đại hội được rút ngắn nhiệm kỳ; các đơn vị đã hết nhiệm kỳ được kéo dài nhiệm kỳ đại hội, thống nhất đại hội các cấp trong năm 2012.
2. Thời gian tổ chức đại hội điểm ở các cấp
- Đại hội điểm cấp cơ sở từ ngày 01/01/2012 đến ngày 28/2/2012.
(Ban Thường vụ Thành đoàn lựa chọn ở mỗi khối 01 đoàn cơ sở để chỉ đạo đại hội điểm, dự kiến hoàn thành trước ngày 30/01/2012).
- Đại hội điểm cấp huyện hoàn thành trước ngày 30/4/2012.
Ban Thường vụ các quận, huyện, thị đoàn và đoàn trực thuộc xây dựng kế hoạch và chỉ đạo đại hội điểm đối với cấp bộ đoàn trực thuộc.
Ban Chấp hành Thành đoàn giao Ban Thường vụ lựa chọn các đơn vị và chỉ đạo tổ chức đại hội điểm ở cấp cơ sở, cấp huyện.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Đối với Thành đoàn
- Tham mưu Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về Đại hội Đoàn các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2012 - 2017.
- Xây dựng Đề án tổ chức Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội, lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2012 - 2017; thành lập Ban Tổ chức và các tiểu ban của Đại hội Đoàn Thành phố lần thứ XIV.
- Xây dựng các Dự thảo văn kiện của Ban Chấp hành Thành đoàn Hà Nội khoá XIII trình Đại hội lần thứ XIV và lấy ý kiến rộng rãi trong đoàn viên thanh niên, hoàn thiện trình Ban Chấp hành để Ban Chấp hành trình Đại hội.
- Ban hành Hướng dẫn tổ chức đại hội đoàn các cấp; lựa chọn, chỉ đạo đại hội điểm đại diện cho các khối để rút kinh nghiệm triển khai rộng rãi.
- Thành lập các tổ công tác theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch này.
2. Đối với các cơ sở đoàn trực thuộc
- Ban Thường vụ các cơ sở đoàn trực thuộc xây dựng kế hoạch chỉ đạo đại hội các cơ sở trực thuộc và đề án tổ chức đại hội ở cấp mình. Thành lập ban tổ chức và các tiểu ban giúp việc đại hội.
- Tham mưu cấp ủy có chỉ thị chỉ đạo đại hội đoàn các cơ sở; chủ động tham mưu, báo cáo cấp ủy có sự quan tâm, tạo điều kiện đầu ra cho đội ngũ cán bộ không còn điều kiện tham gia công tác đoàn.
- Ban Thường vụ các cơ sở đoàn trực thuộc phải chọn một số cơ sở cấp dưới để chỉ đạo điểm rút kinh nghiệm. Đối với tổ chức đoàn cơ sở còn yếu kém, cần tập trung củng cố, kiện toàn trước khi tiến hành đại hội.
- Ban Thường vụ đoàn cấp dưới báo cáo đề án tổ chức đại hội, việc chuẩn bị văn kiện, đề án nhân sự với cấp uỷ đảng cùng cấp và ban thường vụ đoàn cấp trên. Khi được cấp uỷ đảng cùng cấp và ban thường vụ đoàn cấp trên đồng ý thì mới tiến hành đại hội.
Căn cứ vào kế hoạch này, Ban Thường vụ các cơ sở Đoàn trực thuộc báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, xây dựng kế hoạch và chỉ đạo việc tổ chức đại hội đoàn các cấp thuộc địa phương, đơn vị đảm bảo các nội dung trên và nguyên tắc của Điều lệ Đoàn.
TM. BAN CHẤP HÀNH THÀNH ĐOÀN
BÍ THƯ
Ngọ Duy Hiểu